Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT – COPD) toàn cầu được tổ chức bởi GOLD (Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), phối hợp với các nhân viên y tế và các nhóm bệnh nhân COPD khắp thế giới. Mục tiêu của Ngày COPD toàn cầu là tăng cường sự hiểu biết về COPD và cải thiện việc chăm sóc COPD trên khắp thế giới.
Mỗi năm GOLD chọn một chủ điểm và phối hợp việc chuẩn bị và phân phát các tài liệu và thông tin về ngày COPD toàn cầu. Các hoạt động Ngày COPD thế giới được tổ chức tại từng quốc gia bởi các nhân viên y tế, các nhà giáo dục và các thành viên của cộng đồng, những người muốn giúp làm giảm gánh nặng của COPD.
Ngày COPD Toàn cầu đầu tiên được tổ chức vào năm 2002. Mỗi năm những người tổ chức tại hơn 50 quốc gia tiến hành các hoạt động, khiến ngày này trở thành một trong những sự kiện thông tin và giáo dục về COPD quan trọng nhất. Năm 2016, Ngày COPD toàn cầu được chọn vào ngày 16/11/2016 với chủ đề “Breathe in the knowledge – Thấu hiểu từng hơi thở”.
Hưởng ứng sự kiện này, Ban điều hành Dự án Trung ương – Bệnh viện Bạch Mai cùng Ban điều hành Dự án các tỉnh thành phố tổ chức các hoạt động: khám sàng lọc và phát hiện sớm bệnh nhân mắc COPD, hội nghị khoa học cập nhật chẩn đoán, điều trị COPD, truyền thông nâng cao kiến thức cho người dân trong cộng đồng…
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện tổ chức Khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân mắc COPD vào ngày 3/12/2016; Hội nghị khoa học cập nhật chẩn đoán và điều trị COPD vào ngày 20/12/2016.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp với Trung tâm thanh thiếu niên Trung Ương tổ chức “Đêm nhạc truyền thông hưởng ứng Ngày COPD năm 2016” vào ngày 18/11/2016.
Tại Hải Phòng, Ban quản lý Dự án TP. Hải Phòng tổ chức xây dựng kế hoạch khám sàng lọc bệnh nhân COPD và Hen phế quản tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Bảo vào ngày 15/11/2016.
Tại Quảng Nam, Ban quản lý Dự án tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động sau:
Truyền thông trên đèn LED: tuyên truyền trên đèn LED tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam với khẩu hiệu: “Nhiệt liệt hưởng ứng ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu.
Truyền thông cho bệnh nhân: Sinh hoạt câu lạc bộ “Giữ cho lá phổi xanh”. Năm 2016, đã có 160 bệnh nhân tham gia Câu lạc bộ này. Các hội viện được các bác sỹ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch giải thích, tư vấn về các triệu chứng, cách điều trị; hướng dẫn về kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị đúng cách, chế độ dinh dưỡng phù hợp…
Tổ chức hội nghị cập nhật chẩn đoán và điều trị COPD: Ngày 08/11/2016, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học: “Quản lý hen và COPD toàn diện từ giải quyết cơn cấp đến điều trị duy trì”. Giảng viên tham gia hội thảo khoa học là: PGS.TS. Lê Thị Tuyết Lan – Phó chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam và PGS.TS. Nguyễn Thị Vân – Giảng viên bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hội nghị với sự tham gia của 70 Y, Bác sĩ, Điều dưỡng.
Tại Bình Phước, Ban quản lý Dự án tỉnh Bình Phước tổ chức lớp tập huấn chuyên môn về COPD và HPQ cho các các bạn hoạt động dự án vào 23-25/11/2016. Tổ chức khám sàng lọc tại xã Bù Nho huyện Phú Riềng từ 5-10/12/2016.
Tại Bình Dương, Ban quản lý Dự án tỉnh Bình Dương truyền thông treo biểu ngữ nơi đông người, cơ quan y tế với các nội dung: “ĐỪNG ĐỂ BỊ TÀN PHẾ VÌ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH” và “HÃY ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ GẦN NHẤT ĐỂ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH”. Viết bài đăng tạp chí sức khỏe Bình Dương.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh viết bài truyền thông về Hen và COPD, thu băng đĩa gửi phát thanh cho 84 xã phường trong toàn tỉnh. Tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm COPD và HPQ tại một số xã phường huyện Côn Đảo, TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa…