Ho kéo dài thường do nguyên nhân gì ?

Bệnh lý đường hô hấp trên: là nguyên nhân thường gặp nhất gây ho kéo dài, các bệnh lý thường gặp bao gồm: viêm mũi vận mạch, viêm xoang, polyp mũi. Trong dân gian có câu “Lai dai như tai mũi họng” cũng có thể là vì lý do này.

 

Hen phế quản: là nguyên nhân gây ho kéo dài thứ hai sau bệnh lý mũi xoang. Ho thường xuất hiện vào nửa đêm về sáng, khi thay đổi thời tiết, tiếp xúc dị nguyên, các mũi khó chịu, hoặc khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp than…, có thể thấy khó thở cò cứ ở những trường hợp điển hình.

Trào ngược dạ dày – thực quản:
 là nguyên nhân khá thường gặp. Các biểu hiện thường bao gồm: ho kéo dài, ho tăng khi nằm, vào lúc đói. Kèm theo người bệnh có cảm giác nóng rát sau xương ức, ợ hơi, ợ chua, đau thượng vị.

Nhiễm trùng đường hô hấp: một số ít trường hợp nhiễm trùng hô hấp còn ho kéo dài (ngay cả sau khi đã điều trị kháng sinh hiệu quả), thậm chí ho kéo dài quá 8 tuần.

Dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin trong điều trị tăng huyết áp, những trường hợp này có thể thấy ho ngay sau khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, nhưng cũng có trường hợp phải dùng thuốc sau 2-3 tháng mới xuất hiện các biểu hiện ho: ho kéo dài là biểu hiện gặp ở khoảng 15% các trường hợp được dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: các biểu hiện ho xuất hiện ở người hút thuốc lá, thuốc lào, hoặc tiếp xúc khói bếp than, khói, bụi nghề nghiệp kéo dài đều phải lưu ý tìm nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh nhân thường ho kéo dài 2 tháng mỗi năm, trong ít nhất 2 năm liên tiếp, có thể có khó thở cò cứ. Các biểu hiện tăng lên khi có thay đổi thời tiết.

Giãn phế quản: ho, khạc đờm mủ kéo dài, nếu để lắng, đờm thường lắng thành 3 lớp khá rõ, trong đó lớp trên cùng là bọt, lớp giữa là nhầy, và lớp dưới cùng là mủ.

Ung thư phổi

Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan: nguyên nhân này thường liên quan đến những người làm nông trại, các biểu hiện ho, khó thở thường có liên quan đến mùa, vụ…
Một số nguyên nhân hiếm gặp khác: dị dạng động tĩnh mạch phổi, nhuyễn sụn khí, phế quản, phì đại amindan, tăng cảm thanh quản…

TS. Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *